U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Vì sao người Mỹ thống trị Nobel kinh tế?

Kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1969, chỉ 12 năm là không có sự xuất hiện của người Mỹ.


Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Giải này được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này. Người được xướng tên năm nay là nhà khoa học người Mỹ Richard H.Thaler.
 
Mỹ hiện cũng là quốc gia thống trị giải thưởng này. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong thời gian khá dài nữa.
 
Kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1969, chỉ 12 năm là không có sự xuất hiện của người Mỹ. Sự thống trị này những năm gần đây ngày càng rõ rệt. Nhiều người giành giải không sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng học tập, làm việc và có quốc tịch Mỹ. Thậm chí, các ứng cử viên được dự báo giành giải hằng năm cũng đều có liên quan đến các trường Đại học Mỹ.

Vì sao người Mỹ thống trị Nobel kinh tế?
Richard H.Thaler nhận giải Nobel Kinh tế năm nay. Ảnh: Chicago Booth Magazine

Năm ngoái, hai nhà khoa học giành giải Nobel Kinh tế là Oliver Hart và Bengt Holmström. Oliver Hart sinh ra tại London (Anh), nhưng học tập, làm việc và hiện là công dân Mỹ. Ông là giáo sư kinh tế của Đại học Harvard. Trong khi đó, Bengt Holmstrom là công dân Phần Lan, nhưng cũng cư trú lâu dài (permanent resident) tại Mỹ. Ông đang giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts.
 
Một bài phân tích trên Christian Science Monitor từ năm 1995 chỉ ra rằng hiện tượng trên phản ánh sức mạnh khoa học của nền kinh tế số một thế giới. Chính phủ Mỹ dành rất nhiều tiền cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản. Các phương tiện truyền thông phát triển, như Internet, cũng giúp việc hợp tác dễ dàng hơn, đặc biệt với các nhà nghiên cứu tại các nước đang phát triển.
 
“Hệ thống nghiên cứu của Mỹ vẫn đang bỏ rất xa các nước khác”, Philip Schewe - chủ biên tạp chí chuyên ngành Physical Review Letters thời đó nhận xét.
 
Một số nhà phân tích thì cho rằng Mỹ còn hưởng lợi lớn từ sự xuất hiện của chủ nghĩa Phát xít và bài Do Thái ở châu Âu cách đây vài thập kỷ. Việc này đã khiến nhiều nhà khoa học hàng đầu châu Âu, như Albert Einstein, Niels Bohr hay Enrico Fermi phải di cư sang Mỹ.
 
Sau Đại chiến Thế giới II, Washington bắt đầu gây dựng chiến dịch hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có cho nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, châu Âu, Nhật Bản và Liên Xô thời đó vẫn còn chật vật tái thiết nền kinh tế hậu chiến. “Chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một nền khoa học và công nghệ được cấp vốn đầy đủ. Việc đó đã giúp người Mỹ giành giải”, Stephen Brush - nhà sử học tại Đại học Maryland cho biết trên CSM.
 
Tính đến năm 1995, nửa số người Mỹ được giải Nobel đang làm việc cùng, hoặc dưới quyền những người từng nhận giải này. Harriet Zuckerman - tác giả một nghiên cứu về các nhà khoa học từng giành Nobel giải thích: “Đây là một phát hiện rất quan trọng. Theo lẽ tự nhiên, người giỏi thì luôn bị thu hút bởi người giỏi thôi”.
 
Forbes cũng đồng tình với quan điểm của CSM. Tạp chí này nhận định Mỹ thống trị giải Nobel nhờ dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, thông qua các khoản hỗ trợ hào phóng của Chính phủ, các biện pháp khuyến khích giáo dục bậc cao, sự cởi mở trong chính sách thu hút nhân tài khắp thế giới và các trường đại học cũng như các quỹ giàu có sẵn sàng chi tiền cho nghiên cứu trong dài hạn.
 
Không chỉ kinh tế, người Mỹ còn giành nhiều giải Nobel hơn các nước khác trong cả lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y tế, kể từ sau Thế chiến II. Giai đoạn 1935 - 2014, năm nào cũng có ít nhất một người Mỹ giành Nobel. Trong khi đó, trong 6 năm đầu trao giải, người Mỹ hoàn toàn vắng bóng.

 

Danh sách những người đoạt giải Nobel Kinh tế các năm 2000 - 2016:
 

Năm Người đạt giải Công trình Quốc gia
2016 Oliver Hart và Bengt Holmström Lý thuyết hợp đồng Mỹ và Phần Lan
2015 Angus Deaton Nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi. Mỹ
2014 Jean Tirole Cách thức quản lý các tập đoàn, công ty lớn trên thị trường. Pháp
2013 Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen, Robert J. Shiller Phân tích giá tài sản Mỹ
2012 Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley Lý thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường Mỹ
2011 Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims Mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế Mỹ
2010 Peter A. Diamond, Dale T. Mortensen và Christopher A. Pissarides Công thức mới cho sự tương tác trên thị trường, giữa bên có hàng hóa, dịch vụ, việc làm... với bên đi tìm kiếm. Anh và Mỹ
2009 Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson Phương thức điều hành nền kinh tế Mỹ
2008 Paul Krugman Tác động của lợi thế quy mô tới các mô hình thương mại và địa điểm diễn ra các hoạt động kinh tế Mỹ
2007 Leonid Hurwicz, Eric S. Maskin và Roger B. Myerson Học thuyết phác thảo cơ chế Mỹ
2006 Edmund S. Phelps Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp Mỹ
2005 Robert J. Aumann và Thomas C. Schelling Xung đột và hợp tác thông qua phân tích "Lý thuyết trò chơi" Mỹ
2004 Finn E. Kydland và Edward C. Prescott Sự thống nhất về thời gian của chính sách kinh tế và lực đẩy phía sau chu kỳ kinh doanh Na-uy và Mỹ
2003 Robert F. Engle III và Clive W.J. Granger Phân tích số liệu kinh tế theo chuỗi thời gian ARCH và đồng hợp nhất Anh và Mỹ
2002 Daniel Kahneman và Vernon L. Smith Ứng dụng tâm lý học vào kinh tế và Phân tích kinh tế thực nghiệm Mỹ
2001 George A. Akerlof, A. Michael Spence và Joseph E. Stiglitz Phân tích thị trường với thông tin phi đối xứng Mỹ
2000 James J. Heckman và Daniel L. McFadden Lý thuyết và phương pháp phân tích lựa chọn rời rạc Mỹ

Hà Thu - Vnexpress

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.