Luật di trú: Child Status Protection Act
Ðạo luật Child Status Protection Act (CSPA) được ban hành vào ngày 6 tháng 8 năm 2002, nhưng đến nay
Sở Di Trú Hoa Kỳ vẫn chưa lập quy định về việc thi hành đạo luật. Ðạo luật này thay đổi cách cứu xét những người nào được coi là con độc thân, dưới 21 tuổi trong những trường hợp cấp chiếu khán bởi
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và trong những trường hợp thay đổi tình trạng di trú bởi
Sở Di Trú Hoa Kỳ. Tuy rằng đạo luật này có hiệu lực từ ngày ban hành, nhưng đến nay
Sở Di Trú Hoa Kỳ chưa lập quy định về việc thi hành đạo luật. Vì lý do đó những sự trình bày sau đây dựa vào những giác thư và ý kiến của
Sở Di Trú, và ngôn ngữ pháp lý của đạo luật CSPA. Ngoài ra, sự trình bày sau đây dựa vào giác thư mới nhứt ngày 30 tháng 4 năm 2008 của
Sở Di Trú.
Luật di trú: Child Status Protection Act (Ảnh: minh họa)
Ðạo luật này có hiệu lực từ ngày ban hành (tức là ngày 6 tháng 8 năm 2002) và được áp dụng vào những hồ sơ nào có những người con quá 21 tuổi vào ngày 6 tháng 8 năm 2002 hoặc sau ngày đó. Nếu những người con đó quá 21 tuổi trước ngày 6 tháng 8 năm 2002, có thể được hưởng quyền lợi của đạo luật này nếu:
(1) Những đơn bảo lãnh (đơn I-130) được chấp thuận mà
đơn xin chiếu khán hoặc đơn xin thay đổi tình trạng di trú chưa được quyết định;
(2) Những đơn bảo lãnh (đơn I-130) đang chờ đợi sự quyết định trước khi ngày hoặc sau khi ngày đạo luật được ban hành;
(3) Những đơn đang chờ đợi sự quyết định của Bộ An Ninh Nội Chính (tức là Sở Di Trú) hoặc Bộ Ngoại Giao (tức là Lãnh Sự Hoa Kỳ).
Nhưng trước khi trình bày những điều khoản đó tôi xin sơ lượt qua những diện bảo lãnh thân nhân. Diện bảo lãnh theo diện thân nhân gồm có 2 loại. Loại thứ nhất là Immediate Relative và loại thứ hai là Family Based Preference.
- Diện Immediate Relative (cũng được gọi là diện bảo lãnh thân nhân trực thuộc) là diện bảo lãnh cho Vợ, Chồng, Con độc thân dưới 21 tuổi (con nuôi và con mồ côi cũng được lọt vào diện này), Cha hoặc Mẹ của công dân Hoa Kỳ, và diện này là diện bảo lãnh thân nhân mau nhất so với những diện bảo lãnh thân nhân khác.
- Diện Family Based Preference được chia ra làm 5 Preferences (tức là 5 loại ưu tiên). Ưu tiên 1 được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 2A được dành cho Vợ, Chồng, hoặc Con cái dưới 21 tuổi của thường trú nhân. Ưu tiên 2B được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của thường trú nhân. Ưu tiên 3 được dành cho những người con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ. Ưu tiên 4 được dành cho Anh, Chị hoặc Em của công dân Hoa Kỳ.
CSPA áp dụng cho diện immediate relative:
Trước khi đề cập tới CSPA áp dụng cho diện Immediate Relative, chúng tôi xin nhắc lại, trước kia, khi chưa có luật nới rộng này thì nếu Cha Mẹ là công dân Hoa Kỳ bảo lãnh con dưới 21 tuổi, thì người con đó phải dưới 21 tuổi kể từ ngày làm
đơn bảo lãnh cho tới khi nhập cảnh Hoa Kỳ vẩn không được quá 21 tuổi. Nếu quá 21 tuổi thì không được hưởng ưu tiên của Diện Immediate Relative. Nay Ðiều Khoản 2 của đạo luật Child Status Protection Act (CSPA) được nới rộng nhằm giúp cho những hồ sơ nào trong diện bảo lãnh con dưới 21 tuổi (Cha Mẹ là công dân Hoa Kỳ) được thỏa mãn hơn, nghĩa là chỉ cần người con dưới 21 tuổi lúc đơn I-130 được nhận bởi
Sở Di Trú Hoa Kỳ là được rồi và sau đó khi có visa, hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ dù con có trên 21 tuổi vẫn được đến Hoa Kỳ.
Tiếp đó Ðiều Khoản 2 sửa đổi
Luật Di Trú để những người con của thường trú nhân được lọt vào Diện Immediate Relative sau khi người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ. Ngày của người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ sẽ là ngày Sở Di Trú dùng để xác định người được bảo lãnh sẽ lọt vào Diện Immediate Relative hay Diện Ưu Tiên. Ðiển hình là người Cha hoặc Mẹ bảo lãnh cho người con khi người con đó 17 tuổi và người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ khi người con 20 tuổi, người con đó sẽ được lọt vào Diện Immediate Relative dù là chiếu khán được cấp hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi người con đó quá 21 tuổi hoặc nộp đơn thay đổi tình trạng di trú sau khi người con đó quá 21 tuổi.
Và sau cùng, dưới Ðiều Khoản 2, những người con dưới 21 tuổi đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ được quyền chuyển sang Diện Immediate Relative khi người con đó ly dị trước khi 21 tuổi. Ngày ly dị sẽ là ngày Sở Di Trú dùng để xác định người được bảo lãnh sẽ lọt vào Diện Immediate Relative hay Diện Ưu Tiên. Ðiển hình là người
công dân Hoa Kỳ nộp đơn bảo lãnh cho người con 18 tuổi đã có gia đình. Sau khi đơn bảo lãnh đã nộp, người con đó ly dị. Người con sẽ được lọt vào Diện Immediate Relative, nếu ly dị trước khi 21 tuổi, dù là chiếu khán được cấp hoặc nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi người con đó quá 21 tuổi hoặc nộp đơn thay đổi tình trạng di trú sau khi người con đó quá 21 tuổi.
Nguyễn Ngọc Chương - Người Việt Online