U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Chuyện nước Mỹ: Mua nhà rẻ hơn cái máy tính

Thưa anh chị,
 
Nếu có trong túi 1.000 USD, có thể làm được gì ở Mỹ? Xin thưa ngay, là chưa đủ để đi nha sĩ chữa một cái răng sâu.  Nhưng số tiền ấy lại có thể giúp anh chị mua được một ngôi nhà ở Detroit (bang Michigan), thành phố vừa mới nộp đơn xin phá sản, như quảng cáo trên internet. 
 
Không hẳn vì vỡ nợ nên nhà ở Detroit trở nên rẻ. Có những căn nhà ở thành phố ấy được rao bán chỉ với giá vài trăm USD suốt mấy năm qua. Chẳng hạn, từ đầu năm 2008, trên trang chuyên bất động sản realtor.com, thống kê có gần 200 ngôi nhà được giao bán dưới giá 1.000 USD, trong đó có những ngôi nhà có giá tượng trưng 1 USD. Và cũng không phải chỉ Detroit mới có những căn nhà rao bán với giá làm cả thế giới phải sốc. Tìm kiếm một ngôi nhà ở các bang Ohio cho tới Indiana giá chỉ 2.000-3.000 USD không khó.
 
Chuyện nước Mỹ: Mua nhà rẻ hơn cái máy tính
Chuyện nước Mỹ: Mua nhà rẻ hơn cái máy tính (Ảnh: minh họa)
 
Những ngôi nhà ấy không phải siêu mỏng, siêu hẹp hay trong những hang cùng ngõ hẻm, vì ở Mỹ không có kiến trúc đô thị kiểu ấy. Cũng không phải vì những ngôi nhà ấy nằm ở miền hoang vu ngày đêm nghe tiếng sói hú. Trái lại, nhiều ngôi nhà siêu rẻ xây hai tầng với ba phòng ngủ và tầng hầm nằm trong khuôn viên vài trăm mét vuông, có thảm cỏ xanh mướt ở sân trước, đường rộng đủ xe container đi qua.
 
Nhưng, thưa anh chị, chi phí mua nhà ở Mỹ thường giống như việc chúng ta thấy một tảng băng trôi mà những chi phí khác đa phần chìm dưới mặt nước. Như khoản nợ thuế nhà đất đối với chính quyền bang từ người chủ cũ có thể chồng chất qua các năm với số tiền đôi khi lên tới vài chục ngàn USD sẽ được dồn lên vai người chủ mới.
 

Mua nhà ở Mỹ và những bất cập kiểu Mỹ

Ngay cả khi mua những ngôi nhà thông thường thì những chi phí tiềm ẩn cũng là vấn đề lớn. Anh bạn của tôi tên Trung, mới từ Hà Nội qua mua nhà ở Bethesda, bang Maryland nằm kề bên thủ đô Washington. Anh không nhớ nổi những khoản phí mà anh đã phải trả từ lúc thuê nhà môi giới tìm nhà cho tới khi anh làm tiệc tân gia. Nào là phí môi giới, phí thẩm định chất lượng ngôi nhà, phí thẩm định côn trùng vì ngôi nhà anh mua đa phần làm bằng gỗ, phí mua bảo hiểm, phí phòng cháy chữa cháy, phí sửa chữa cho những hỏng hóc phải mãi khi bắt đầu dọn vào ở mới lộ ra. Anh Trung tổng kết, anh phải chi gần 50 ngàn USD cho những chi phí phát sinh nói trên trong khi căn nhà anh mua có hai tầng một hầm với 5 phòng ngủ có giá gần 450 ngàn USD kèm thêm quảng cáo “dọn vào ở ngay”.  
 
Nhưng lý do cơ bản nhất khiến cho những ngôi nhà giá rẻ bằng chiếc máy tính xách tay không hấp dẫn với người Mỹ vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là thị trường lao động. Detroit hơn nửa thập kỷ qua không tạo thêm việc làm mà chỉ thấy sa thải nhân viên và thất nghiệp.
 
Bản thân luật lệ ở Mỹ cũng ngăn ngừa nạn đầu cơ, mà trong đó những khoản phí để duy trì một ngôi nhà rất lớn khiến cho những ai muốn mua một ngôi nhà rồi để đó chờ tăng giá phải nghĩ lại. 
 
Hôm trước, một người bạn khác của tôi ở New York ôm đầu kêu khổ vì anh vừa trả xong khoản thuế nhà đất hàng năm  lên tới gần chục ngàn USD, thì anh nhận được một hóa đơn tiền phạt 5.000 USD do quên thực  hiện quy định phải thử hệ thống phòng cháy chữa cháy 5 năm một lần dù cho hàng tháng vẫn đóng phí cháy nổ vài trăm USD khác. Thảm cỏ trước nhà anh rộng gần trăm mét vuông để lâu không cắt dọn cũng làm anh bị phạt hơn ngàn USD vì mất mỹ quan và ảnh hưởng tầm nhìn của hàng xóm. Biên lai phạt còn ghi rõ, nếu lần sau quên cắt cỏ, tiền phạt sẽ tăng lên thành chục ngàn. 
 
Thế thì anh chị có nên sang Mỹ du lịch rồi tiện thể mua vài căn nhà giá ngàn đô để đấy không?
 
Chúc anh chị sức khỏe, và hẹn ở thư sau!
 
Phạm Tấn (Washington D.C)
Theo: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.