U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Hãy yêu và tận tâm với công việc

Đầu tư mỹ - Khi học xong chương trình RN thì tôi cũng phải qua thời gian đi thực tập rồi thì test NCLEX (National Council Licensure Examination) như là LPN vậy. Ngày trước thi cho LPN thì khó ơi là khó, còn RN thì tôi thấy dễ thở hơn nhiều.
 
Thi xong RN là tôi bị "lôi" ra khỏi Alzheimer's unit ngay lập tức, vì bên “rehab” rất cần RN.
 
Hãy yêu và tận tâm với công việc
Tác giả Hằng Nguyễn, "Mỗi một ngày tôi nhận thấy rằng tất cả những gì xảy ra
trong cuộc đời tôi đều có lý do của nó. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
 
“Rehab” là nơi cho những bệnh nhân sau mổ xẻ và ra khỏi bệnh viện, vào đây tập đi lại để xuất viện. Làm việc ở đây thì rất ư bận rộn. Mỗi ca tôi chỉ phân công có 7-10 bệnh nhân nhưng đôi lúc ná thở luôn. Do ngày trước tôi thỉnh thoảng bị phân công vào unit này nên tôi không bỡ ngỡ lắm. Vả lại cùng một công ty nên lề lối làm việc cũng chẳng khác là bao.
 
Tôi có nghĩ đến chuyện bỏ “rehab” vào những unit khác để làm, cũng thử mấy lần nhưng rồi có lẽ tôi thích hợp với “rehab” hơn. Bệnh nhân ở “rehab” thì sức khoẻ ổn định hơn, không có thay đổi bất thường. Trước khi một bệnh nhân mới vào unit, tôi là người nhận báo cáo, tôi biết mấy vị này bị cái gì, có bệnh gì lây nhiễm không, vì ngành này là ngành nghề dễ bị lây nhiễm nhất. Cho nên tôi luôn biết trước mình sẽ làm gì với người nào và bị bệnh gì.
 
Bệnh nhân ở “rehab unit” thì tỉnh táo, nên đòi hỏi nhiều hơn. Bệnh nhân của tôi phần lớn là mổ thay xương đùi, xương đầu gối, có vài ca mổ tim và bệnh nhân ung thư tới đây nằm để trị liệu và tập thể dục để cho mạnh mẽ hơn. Phần lớn những bệnh nhân này chỉ ở một vài tuần rồi về. Do đó, tôi cảm thấy vui hơn khi tiếp xúc với người còn tỉnh táo. Tất nhiên, không ai đuổi tôi về China như bệnh nhân đã mất trí nhớ.

Tôi là đứa rất ghét nhảy việc, làm đâu đã quen thì ở một chỗ. Unit tôi đang làm tự nhiên nhận vào cô D., chỉ là LPN, về làm sếp. Nghe đâu cô là bạn của bà chủ. Được bà chủ nâng đỡ, cô ta làm mưa làm gió, đôi lúc đối xử với nurse rất bất công.
 
Thời gian đầu khi tôi còn là LPN, thì tôi không có làm gì sai cả. Đến khi tôi ra RN thì cái gì tôi cũng làm sai. Thật tình mà nói, D. là người rất thông minh. Nhưng thay vì đi học lại để lấy RN, cô lại tỏ ra ganh tị với mấy RN. Thời gian đầu tôi giận lắm, nhưng sau khi tôi biết rằng cô ta có nhiều stress trong cuộc sống riêng tư, nhất là chồng con, tôi không giận nữa. Thế là tôi tìm công việc khác.
 
Tôi rất thích nơi tôi làm việc bây giờ. Cũng là một “rehab center” nhưng trực thuộc một bệnh viện. Cách sắp xếp công việc cũng khác hơn nơi tôi đã làm, đó là cho RN làm “supervisor” trong unit.
 
Số lượng bệnh nhân thì ít hơn nhưng RN chuyên về quản lý nhiều hơn. RN sắp xếp các công việc cho LPNs và nurse aides trong unit. RN trực tiếp làm việc với bác sĩ và nhận y lệnh (lệnh từ bác sĩ) cho bệnh nhân khi có thay đổi. RN cũng sắp xếp lịch tập thể dục cho bệnh nhân và sắp xếp những cuộc hẹn nếu bệnh nhân phải ra ngoài unit cho những trị liệu khác. Công việc của tôi bây giờ không chỉ làm việc với thuốc men, nước biển, IV antibiotic qua những vein chuyền vào tận tim mà còn nhiều thứ trước đây tôi chưa từng làm. Cho nên thời gian đầu tôi cũng không ít bỡ ngỡ.
 
Công việc của một y tá thì rất stress. Bởi chúng tôi phải tiếp xúc với người bệnh, người đang mang trong mình những đau đớn về thể xác, nên đôi khi rất khó chịu. Bởi vậy, nhiều khi tiếp xúc với họ, mình cũng stress. Mà ở tuổi của tôi, đặc biệt là hoàn cảnh của tôi, tôi không muốn mang vào mình thêm stress.
 
Có thể công việc ở những unit khác của bệnh viện cho tôi lương cao hơn một chút, nhưng bù lại, ở những “rehab center,” bệnh nhân dễ chịu hơn. Đặc biệt, ở rehab, nurse RN có giá trị hơn. Có khi cả building chỉ có mình tôi là RN, tôi phải lội qua những unit khác để làm những công việc mà LPNs không được phép làm.
 
Hơn nữa, tôi biết là dù học hành ra bằng cấp gì, tôi vẫn là một người nước ngoài, nói tiếng Mỹ với một chất giọng mà đôi khi gây khó khăn cho người nghe. Dù vậy, nơi tôi đang làm việc, từ sếp cho tới nurse aide, đều tôn trọng và công nhận khả năng làm việc của tôi. Nơi tôi làm việc bây giờ, không khí làm việc rất thoải mái, trên dưới có thể vừa làm việc, vừa bông đùa, mà vẫn có thể hoàn thành tốt công việc. Tôi nghĩ, ông trời đôi khi tạo ra một vài chướng ngại vật chưa hẳn là hoàn toàn xấu.
 
***
 
Làm việc với người Mỹ, tôi rút ra một điều là phụ nữ Mỹ nói quá nhiều.
 
Họ cứ nói là tôi làm gì cũng nhanh tay. Tất nhiên là tôi nhanh tay hơn vì tôi nói ít hơn họ. Vào một nơi làm việc mới, nhất là ngành này, phải tốn ít nhất ba tháng để khẳng định mình. Cám ơn ông trời đã cho tôi biết cười nhiều và có nụ cười tươi nên nụ cười đã giúp tôi lấy lòng được nhiều người.
 
Bên cạnh đó, tính nghịch ngợm và hài hước cũng giúp cho tôi tạo được không khí thoải mái với những nurse aide của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy nurse aide của tôi dễ thương như những người phụ tôi bây giờ. Ra lệnh hay nhờ vả cái gì cũng không bao giờ phải nói lần thứ hai. Tất nhiên họ thích tôi vì họ nói "You are the only one that helps us."
 
Tôi không bao giờ tạo ra không khí trên dưới, dù trong trường hợp khẩn cấp như cấp cứu hay hô hấp nhân tạo, tôi cũng nói rất nhát gừng. Nhưng tất nhiên khi xong công việc rồi, tôi bao giờ cũng nói lời cám ơn và xin lỗi...
 
Tôi biết mình cũng chỉ là người da màu đến từ quốc gia không nói tiếng Anh, tuy nhiên, tôi vẫn chọn nơi có nhiều Mỹ trắng hơn. Người Mỹ trắng, cho dù trong ánh mắt họ có chút kì thị, tôi vẫn thấy họ lịch sự hơn. Thật nực cười là đôi khi Mỹ trắng không kì thị mà Mỹ đen lại đi kì thị với mình. Rồi những người Mỹ trắng lại đi bênh vực mình.
Đã làm việc lâu năm với người Mỹ, nếu bạn hỏi là còn có chuyện kì thị không, tôi vẫn trả lời là có. Còn mức độ thì chính mình là người có thể thay đổi. Khi làm việc, tôi trọng chữ tín, với bệnh nhân, với cả cấp trên lẫn cấp dưới. Khi tôi hứa với bệnh nhân là quay trở lại, cho dù hết giờ làm việc, tôi vẫn quay trở lại. Khi sếp cần giúp cái gì, dẫu là ngoài giờ làm, tôi vẫn cố gắng làm xong. Khi nurse aide của tôi bị bệnh nhân mắng oan, tôi luôn tìm cách chờ cho họ dịu xuống để tìm cách bênh vực cho aide của tôi. Theo tôi, mình cần bệnh nhân, nhưng không khí làm việc vui vẻ hoà đồng là điều quí hơn hết. Khi mình làm việc chăm chỉ, tôn trọng bệnh nhân, kính trên nhường dưới, thì có lẽ những trái tim sắt đá chứa đầy sự kì thị kia cũng phải yếu mềm.
 
Một chuyện nhỏ tôi xin kể ra để kết thúc series này. Hôm rồi có một bệnh nhân là một giáo sư đại học. Ông ta vào unit của tôi để nằm sau khi mổ thay xương đùi. Ông này cực kì khó tính và cũng hơi kì kì, có lẽ vì học cao quá nên hơi khác người. Khi xuất viện, ông vào văn phòng sếp tôi để khen tôi và kết quả là tôi có “gift card” của tập đoàn. Tuy giá trị vật chất thì không cao nhưng giá trị tinh thần thì rất lớn. Bởi đây là bằng chứng là sự cố gắng của tôi đã được đáp lại.
 
***
 
Chặng đường làm việc của tôi mười lăm năm ở Mỹ là như vậy đó.
 
Tôi không bao giờ cho là mình quá khổ cực bởi trên con đường tôi đi qua, mỗi ngày cho tôi cơ hội học thêm vài điều mới mẻ.
 
Con đường tôi đi qua đã làm cho tôi yêu cuộc sống của tôi, yêu những gì tôi đang có, cho tôi biết ơn hơn những người xung quanh tôi, nhất là chồng tôi. Không có anh ấy tôi sẽ không bao giờ có thể vượt qua từng chặng.
 
Tôi yêu công việc của tôi bây giờ, mỗi tuần tôi chỉ làm việc 3 ngày mà vẫn đủ để trang trải, nuôi con, và giúp đỡ ba tôi ở Việt Nam.
 
Mỗi một ngày tôi nhận thấy rằng tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời tôi đều có lý do của nó.

Hằng Nguyễn - Người Việt Online


Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.