U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Cơ hội phát triển đầu tư, thương mại Việt - Mỹ

Đầu tư mỹ - Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ từ ngày 24 đến 26/7 có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước sau gần 20 năm bình thường hóa quan hệ. Nhân dịp này, mời độc giả nhìn lại các cột mốc quan trọng về quan hệ đầu tư và thương mại song phương cũng như các cơ hội mới cho hai nước trong thời gian tới.
 
Cơ hội phát triển đầu tư, thương mại Việt - Mỹ
Một trong những siêu thị có bán hàng Việt Nam tại Mỹ.

Tiến triển trên nhiều mặt
 
Những năm gần đây, quan hệ Việt - Mỹ trên tất cả các lĩnh vực đã có nhiều tiến triển, đặc biệt là quan hệ về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng được tăng cường.
 
Năm 2000, 6 năm sau khi Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới của hợp tác kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 25 tỷ USD trong năm 2012. Trong thời gian này, Việt Nam luôn được hưởng thặng dư thương mại hàng năm từ 454 triệu USD trong năm 2000 lên hơn 15,6 tỷ USD trong năm 2012. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nguồn thặng dư thương mại chính của Việt Nam.
 
Thông qua BTA, Mỹ muốn Việt Nam cam kết một loạt các cải cách về thương mại, đầu tư và các quy định tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư và hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam. Kết quả, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2009 với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,8 tỷ USD. Mặc dù con số này đã giảm trong những năm gần đây, nhưng triển vọng tương lai vẫn tích cực. Theo kết quả của một cuộc khảo sát năm 2012 - 2013 về triển vọng kinh doanh tại khu vực ASEAN, Việt Nam là địa điểm phổ biến nhất cho việc mở rộng kinh doanh của các công ty Mỹ tại Đông Nam Á.
 
Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa đứng thứ 29 của Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 24,9 tỷ USD trong năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2011, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 20,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2011. Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam 15,6 tỷ USD trong năm 2012, tăng 18,7% (2,5 tỷ USD) so với năm 2011. Trong năm 2012, Việt Nam là thị trường hàng xuất khẩu đứng thứ 46 của Mỹ và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 23 vào Mỹ. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ tại Việt Nam đạt 747 triệu USD trong năm 2011, tăng 19,9% so với năm 2010. FDI Việt Nam tại Mỹ là 20 triệu USD vào năm 2011, giảm 66,1% so với năm 2010.
 
Mối quan hệ kinh tế hai bên cùng thắng giúp xây dựng một nền tảng tốt cho việc tăng cường quan hệ ngoại giao và quốc phòng giữa hai nước. Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong nỗ lực của mình để thúc đẩy sự tham gia của Mỹ trong khu vực. Washington và Hà Nội đã hợp tác thông qua các diễn đàn khác nhau, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN, Sáng kiến hạ lưu sông Mekong, Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng các đối tác.
 
Hai nước cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Các hoạt động liên quan đến quốc phòng, bao gồm trao đổi cấp cao của các quan chức quốc phòng giữa cả hai nước, chuyến thăm Việt Nam của các tàu chiến Mỹ và các cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng hàng năm. Các cuộc thảo luận an ninh cũng trở nên thường xuyên hơn.
 
Trong bản đánh giá sơ kết quốc phòng năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ xác định Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á mà Mỹ cần hợp tác để phát triển mối quan hệ chiến lược mới giữa Mỹ với khu vực.
 
Cơ hội mới
 
Mỹ và Việt Nam đã tổ chức các cuộc thảo luận trong suốt năm 2011 theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), trong đó có cuộc gặp ở cấp bộ trưởng tháng 5-2011. TIFA tạo ra một diễn đàn giám sát và thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam, giải quyết các vấn đề thương mại song phương, thúc đẩy và tăng cường thương mại, đầu tư. Tháng 6-2008, hai nước đã đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Ba vòng đàm phán BIT đã được tổ chức trong năm 2009 và 2010. Các cuộc đối thoại thương mại công nghệ truyền thông đã được tổ chức trong năm 2009 và 2010.
 
Việt Nam và Mỹ là đối tác trong các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra. Trong đàm phán này, Mỹ đang tìm cách phát triển một tiêu chuẩn cao, theo đó thỏa thuận thương mại khu vực của thế kỷ 21 này sẽ hỗ trợ việc tạo ra và duy trì công ăn việc làm ở Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài Mỹ và Việt Nam, các đối tác đàm phán TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore. Bắt đầu với một nhóm các quốc gia có cùng quan điểm, mục tiêu là để mở rộng các thỏa thuận bao gồm các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng đại diện cho hơn một nửa sản lượng toàn cầu và hơn 40% thương mại thế giới. TPP được cho sẽ tạo cú hích cho quan hệ kinh tế Mỹ - Việt Nam, hai bên sẽ được tiếp cận lớn hơn thị trường xuất khẩu đồng thời với việc cải cách sâu rộng nền kinh tế.
 
Khi khách hàng Mỹ hiện nay đang chuyển sang mua hàng hóa Đông Nam Á thay vì từ các nhà cung cấp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tận dụng tối đa các cơ hội tuyệt vời, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) nhận định. Tại hội thảo về TPP do AmCham Việt Nam tổ chức và Câu lạc bộ doanh nghiệp ở TPHCM tổ chức gần đây, Mark Gillin, Chủ tịch AmCham Việt Nam, cho biết TPP sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư và thương mại giữa các thành viên. Nhiều nhà đầu tư Mỹ gần đây đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
 
Tuy nhiên, bất chấp những lợi thế của TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần thu hút khách hàng Mỹ bằng cách thiết lập mối quan hệ đối tác thân thiết với các khách hàng tại Mỹ.
 
Trong thực tế, các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cho thấy không có nhiều công ty trong nước có thể xây dựng mối quan hệ trực tiếp với các đối tác Mỹ, những tập đoàn đã có chuỗi cung ứng với các quy trình nghiêm ngặt, ông Gillin nhận xét.
 
Theo Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại TPHCM, các doanh nghiệp lớn của Mỹ, ví như Walmart, đều có quy trình chi tiết để quản lý mối quan hệ với nhà cung cấp. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu nhu cầu tại Mỹ để trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho họ.
 
Theo: Tiền Phong / SGGP
 

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.