U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Chuyện thẻ xanh của một phụ nữ gốc Việt

Trong năm 2009, Vi, một phụ nữ Việt Nam quê ở Huế, Việt Nam, gặp Thông, một công dân Mỹ gốc Việt. Vi và Thông gặp nhau qua gia đình của họ.
 
Thông và cha mẹ của anh bay đến Huế để gặp Vi và cha mẹ của Vi. Vi và Thông cùng đi khắp miền Trung Việt Nam trong hai tuần, và cùng chụp ảnh với nhau. Họ nói về nhiều điều khác nhau và rất thích có nhau. Vào ngày cuối của hai tuần, Thông trở về Hoa Kỳ.
 
Thông và Vi tiếp tục liên lạc bằng điện thoại và Internet trong khi xa nhau. Họ gửi qua email, gởi tin nhắn cho nhau, và thậm chí trò chuyện bằng video. Cả Vi và cha mẹ của Thông khuyến khích hai người nhanh chóng kết hôn để họ có thể xúc tiến quá trình nhập cư. Họ quan tâm đến nhau nhưng họ không chắc chắn về hôn nhân. Cả hai đều cảm thấy việc kết hôn là quá nhanh. Tuy nhiên, Thông và Vi vâng lời cha mẹ, và ba tháng sau khi Thông thăm Huế, anh trở về Việt Nam. Thông và Vi kết hôn trong một đám cưới lớn với hơn ba trăm khách và chụp rất nhiều hình ảnh. Thông và Vi đi Ðà Lạt hưởng tuần trăng mật, nơi đây họ chụp thêm nhiều hình nữa. Thông ở lại Việt Nam khoảng hai tuần trước khi anh trở về Hoa Kỳ. Thông và Vi ăn nằm với nhau. Mọi người đều biết Vi đã mang thai đứa con với Thông. Khi Thông trở lại Mỹ, anh bắt đầu quá trình nhập cư ngay lập tức, anh ký giấy cam đoan (Affidavit of Support) hứa hẹn với chính phủ Hoa Kỳ rằng Vi sẽ không trở thành một gánh nặng xã hội nếu chính phủ Mỹ cho phép Vi định cư tại Hoa Kỳ.
 
Định cư mỹ, Chuyện thẻ xanh của một phụ nữ gốc Việt
Chuyện thẻ xanh của một phụ nữ gốc Việt (Ảnh: minh họa / nguồn: Thanh Niên)
 
Thông và Vi tiếp tục nói chuyện qua email và video chat. Khoảng sáu tuần sau khi Thông đi khỏi, Vi phát hiện ra mình có thai, Vi nói với chồng. Thông và Vi tiếp tục liên lạc trong khi họ xa nhau. Khi Vi đang mang thai được tám tháng rưỡi, Thông bay đến Huế trong hai tuần để được ở bên cạnh khi vợ sanh. Vì Thông là một công dân Mỹ, bé gái của họ hội đủ điều kiện là công dân Hoa Kỳ một khi cô đến Mỹ. Sau khi em bé được sinh ra một vài tháng, chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận đơn xin cho Vi nhập cảnh Hoa Kỳ. Vi và bé gái di chuyển đến Mỹ vào cuối năm 2010. Con gái của họ được có quốc tịch Mỹ. Vi nhận một thẻ xanh có điều kiện, hợp lệ trong hai năm vì hôn nhân của Vi và Thông chưa đầy hai năm khi đơn xin nhập cư của Thông cho Vi được chấp thuận. Nếu hôn nhân của Vi và Thông được hơn hai năm vào thời điểm đơn được chấp thuận, Vi hẳn đã được một thẻ xanh vĩnh viễn mười năm.
 
Vi và con gái của họ di chuyển đến sống với Thông và cha mẹ của chồng. Vi phát hiện Thông có vấn đề rượu chè - anh uống rượu mỗi ngày và say rượu ít nhất ba ngày một tuần. Vi biết Thông uống rượu nhưng không biết ông là một người nghiện rượu. Mẹ chồng của Vi bắt cô nấu ăn và lau chùi nhà cửa mỗi ngày. Vi phàn nàn với Thông về cách cô được đối xử. Nhưng Thông tảng lờ sự phàn nàn của vợ. Vi cũng cho biết cô muốn học tiếng Anh, học lái xe và lấy bằng làm móng tay để cô cũng có thể kiếm được tiền. Thông nói không.
 
Vi ngày càng trở nên mệt mỏi vì bị đối xử như một người đầy tớ. Cô cảm thấy như cô không có sự độc lập. Một đêm, Thông trở về nhà say rượu vì đi chơi với bạn bè. Vi bắt đầu phàn nàn rằng cô không muốn cuộc hôn nhân khủng khiếp này. Cô nói Thông rất khác so với người cô ấy gặp nhau lần đầu. Thông tức giận và đẩy Vi xuống đất. Vi hét lên và cố chạy trốn. Thông nắm lấy cô và đẩy cô Vi vào vách tường. Và tát cô ấy, và nói cô là một người vợ không vâng lời. Má bên trái của cô chuyển sang màu đỏ ngay lập tức và bầm tím vào ngày hôm sau. Vi chạy vào phòng tắm và gọi cảnh sát, với rất ít tiếng Anh, cô nói “xin giúp tôi.” Bên chồng nghe tiếng la nhưng không lại gần. 
 
Khoảng mười phút sau, cảnh sát đến. Thông và gia đình bên chồng nói rằng có sự hiểu lầm. Gia đình bên chồng nói dối rằng Vi là người tấn công Thông trước. Nhưng cảnh sát nhìn thấy má của Vi hồng và không tin Thông và gia đình bên chồng. Cảnh sát bắt giữ Thông. Trong khi Thông bị cảnh sát dẫn đi, anh mắng Vi và nói rằng Vi chỉ có thẻ xanh có điều kiện và chưa đầy hai năm sẽ hết hạn. Anh cho biết nếu cô nói với cảnh sát cô đã nói dối về tất cả mọi thứ, anh sẽ giúp cô có được thẻ xanh mười năm. Ngày hôm sau, Vi chụp một tấm ảnh những chỗ bị bầm.
 
Thật không may, câu chuyện của Vi không phải là không phổ biến trong cộng đồng người Việt. Ðôi khi có những trường hợp mặt người còn bị nặng hơn Vi và đôi khi có người bị nhẹ hơn Vi. Theo luật di trú hiện nay của Mỹ, bất cứ ai đến Hoa Kỳ định cư qua diện hôn nhân, và cuộc hôn nhân đó chưa được hai năm, người nhập cư chỉ được cấp thẻ xanh có giá trị hai năm, thay vì một thẻ xanh thường kéo dài mười năm. Các thẻ xanh có “điều kiện” sẽ hết hạn vào cuối hai năm, trừ khi một số tài liệu nào đó được nộp cho chính phủ Mỹ.
 
Trong cuộc hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng thường nộp các tài liệu đặc biệt cho chính phủ Mỹ. Nếu chính phủ Mỹ quyết định rằng cuộc hôn nhân có “thiện ý”, khi ấy chính phủ Mỹ sẽ bỏ điều kiện hai năm trên thẻ xanh của người nhập cư. Hôn nhân có “thiện ý” được hiểu là việc người nhập cư không chỉ kết hôn với người bảo lãnh để được hưởng quyền lợi về di trú. Trong ví dụ của chúng tôi, cô Vi có thể chỉ cặp bồ với anh Thông trong một thời gian ngắn trước khi kết hôn, nhưng Vi không kết hôn với Thông với mục đích duy nhất để hưởng quyền lợi di trú. Cô Vi có thể tranh luận rằng cô có thiện ý lấy Thông làm chồng.
 
Trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những người nhập cư như cô Vi có phải cam chịu ở với người bảo lãnh như anh Thông trong hai năm, hoặc lâu hơn không? Không. Có ba cách để loại bỏ các điều kiện trên một thẻ xanh hai năm mà không cần phải có người bảo lãnh.
 
Cách thứ nhất là những người nhập cư phải chứng tỏ rằng người nhập cư nếu bị trục xuất về nước của họ, họ sẽ gặp “cực kỳ khó khăn.” Ví dụ, nếu ở Mỹ cô Vi phát hiện đã nhiễm HIV và điều trị y tế cho bệnh HIV tại Việt Nam không đủ phương tiện, Vi có thể tranh luận rằng cô không nên bị trục xuất về lại Việt Nam. Trục xuất những người nhập cư sẽ phải bị “cực kỳ khó khăn” vì họ thiếu chăm sóc y tế thích hợp. Nhiều luật sư di trú tin rằng điều này là khó khăn nhất trong ba lý luận để loại bỏ các điều kiện trên thẻ xanh hai năm.
 
Lựa chọn thứ hai là chứng minh rằng người nhập cư với cuộc hôn nhân có “thiện ý” và đau khổ vì bị bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình không phải chỉ là đánh đập mà còn có thể là về tình cảm, tài chính, tâm lý và tình dục. Lạm dụng tình dục có thể là quan hệ tình dục không có sự hợp tác (được gọi là hiếp dâm, thậm chí giữa vợ chồng). 
 
Trong trường hợp Vi, cô có một số bằng chứng về bạo lực gia đình, chẳng hạn như một báo cáo của cảnh sát và hình ảnh của các vết bầm tím.
 
Hơn nữa, Vi cần phải chứng tỏ cô lấy chồng vì cuộc hôn nhân có “thiện ý” với Thông. Cô có rất nhiều hình ảnh, email, và tin nhắn để trình với chính phủ Hoa Kỳ. Vi thực sự quan tâm đến Thông trước khi kết hôn. Ngoài ra, Vi và Thông có con với nhau, là bằng chứng để hỗ trợ rằng cô không kết hôn với Thông chỉ vì các lợi ích về di trú. 
 
Nhiều luật sư di trú chuyên nghiệp tin rằng lựa chọn này là dễ nhất nếu có bằng chứng của bạo lực gia đình và bằng chứng về một cuộc hôn nhân có “thiện ý.”
 
Lựa chọn thứ ba phải chứng minh rằng người nhập cư kết hôn với “thiện ý.” Lựa chọn thứ ba này cũng tương tự như cách chọn thứ hai, nhưng không phải chứng minh bất kỳ có một bạo lực gia đình nào. Ví dụ, trong trường hợp cô Vi, nếu Vi không bao giờ bị bạo hành, nhưng Thông và Vi chỉ đơn giản không còn yêu nhau, Vi vẫn có thể thuyết phục chính phủ Mỹ bỏ các điều kiện trên thẻ xanh hai năm của cô. Tuy nhiên, như lựa chọn thứ hai, những người nhập cư vẫn phải cho thấy họ đã không kết hôn với người bảo lãnh với mục đích duy nhất để hưởng quyền lợi về di trú. Nhiều luật sư di trú chuyên nghiệp tin rằng lựa chọn này không dễ dàng, trừ khi có bằng chứng mạnh mẽ của đôi vợ chồng kết hôn với “thiện ý.” Chính phủ Mỹ không thích các cuộc kết hôn giả. Chính phủ Mỹ tin rằng những người kết hôn chỉ vì mục đích duy nhất là để hưởng quyền lợi về di trú là kết hôn gian lận - một vi phạm trầm trọng về di trú.
 
Nhiều phụ nữ nhập cư cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân của họ, tin rằng họ không có lựa chọn nào khác là phải chờ hai năm trôi qua để có được một thẻ xanh mười năm. Họ sai rồi. Ngay cả khi hai năm qua đi sau khi nhận được một thẻ xanh, cả hai vợ chồng cần phải cùng nhau nộp đơn để cho người vợ nhập cư nhận được thẻ xanh vĩnh viễn của mình. Trong trường hợp xấu nhất, người chồng đe dọa không nộp bất kỳ giấy tờ gì để kiểm soát vợ. Nhưng như đã nói ở trên, người phối ngẫu (nam và nữ) nhập cư như vậy, có thể ở lại Hoa Kỳ mà không cần sự giúp đỡ của người bảo lãnh nếu hội đủ một số điều kiện nào đó.
 
Theo: Linh Nguyễn - Người Việt Online

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.