U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Nước Mỹ

Nước Mỹ

'Phở For Life', chuyện về bát phở, về cuộc sống

Đầu tư mỹ - 58 câu chuyện trong cuốn sách Phở For Life nói lên nhiều tâm tưởng chung của thế hệ con cái của người di dân tại Hoa Kỳ. Tình cảm gia đình, các khó khăn cuộc sống, cũng như bao ưu tư lo lắng mà người trẻ gốc Việt đối mặt cũng được chia sẻ qua từng trang sách.

'Phở For Life', chuyện về bát phở, về cuộc sống
58 câu chuyện trong cuốn sách Phở For Life nói lên nhiều tâm tưởng chung
của thế hệ con cái cộng đồng di dân tại Hoa Kỳ. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Có một Mai Phạm hoài niệm về bát phở Sài Gòn những năm trước 75, trong bài “A Bowl of Pho” Những ngày đầu mới đặt chân đến Mỹ, bát phở thiếu giá, thiếu mùi, nhưng là niềm an ủi cho nỗi nhớ quê của gia đình. Hương vị, hơi ấm, màu sắc và cả không khí ồn ào háo hức tại những tiệm phở được mô tả kỹ từng chi tiết. Mai Phạm nay là chủ một nhà hàng Việt ở Sacramento, California.
 
Một người Việt trẻ yêu ẩm thực khác, anh Mai Xuân Bùi, viết về tình mẹ. Anh viết không về món ăn thuần Việt, mà là về một ly kem đặc biệt của mẹ trong ngày cuối cùng trên giường bệnh. Mẹ không ăn nhưng để phần cho anh. “Mẹ nghĩ kem hết ngon rồi. Mẹ ước gì có cái tủ lạnh để mẹ bỏ vào cho con.” Đó là một trong những lời người mẹ nói trong giờ phút cuối cùng của đời bà.
 
Tình cha là chủ đề của một bài viết khác trong sách Pho For Life. Tác giả Annie Kim Phạm đã buồn, đã hờn dỗi cha mình khi ông yêu và tái giá với một phụ nữ khác. Trong nhiều năm trời cô tránh ăn bữa ăn tối cùng cha và người mẹ kế. Chỉ cho đến khi cô tìm thấy được góc tủ nơi ông cất giữ cẩn thận những kỷ niệm về cô, Annie mới biết cha không ngừng yêu thương mình. Cô lúc đó nghĩ đến câu người ta nói về người cha Việt: “Đàn ông không biểu lộ tình cảm của họ.”
 
Ẩm thực và tình cảm gia đình, hai chủ đề này quấn vào nhau, xuyên suốt kéo dài dẫn người đọc đi qua từ trang sách này đến tranh sách tiếp theo.
 
Mối liên hệ giữa bản thân và gia đình được nhiều tác giả trẻ gốc Việt chọn viết. Và không phải kỷ niệm nào về gia đình cũng đẹp hoàn hảo.
 
Tác giả Xu An Nguyễn kể về chồng và cha chồng, trong bài “Is Enough Ever Enough?” Chồng cô tuy cố gắng giúp đỡ nhưng không thể kéo người cha nghiệp ngập của mình ra rượu, ma tuý. Đến khi người cha qua đời cô độc, tác giả tự hỏi: “Có bao giờ là đủ?” rồi để tự trả lời rằng: “Yêu thương hết tình, để không bao giờ phải hối hận.”
 
Với Crystal Lê, cô và gia đình là hai thái cực. Bài của cô có tựa Đông và Tây, “East Versus West.” Ba mẹ và người chị sinh ra ở Việt Nam, đại diện cho “phương Đông.” Cô Crystal, sinh và lớn lên tại Mỹ, đại diện cho “phương Tây.” Cô ghét khi ba mẹ nói “con là người Á Châu.” Cô ghét điều đó vì cô là người Mỹ. Cô ghét việc gia đình cô bám víu vào gốc gác từ Việt Nam. Cô ghét cách cha mẹ cô khen và coi người chị cô là kiểu mẫu của con cái gốc Việt. Phải mất một thời gian dài cho đến một ngày cô nhận ra nỗi đau của cha mẹ cô khi phải từ bỏ quê hương, và tất cả những điều giúp họ gợi nhớ đến Việt Nam, bao gồm người chị cô, là niềm an ủi duy nhất của họ.
 
Giữa các câu chuyện của các bạn trẻ gốc Việt là những chuyến trở về “nhà.”
 
Với Quyên Ngô, cô chỉ tìm được “một nơi tôi có thể thực sự gọi là nhà”, Việt Nam, sau bao chuyến đi khắp các châu lục. Dù không nói chuẩn tiếng mẹ đẻ, dù hễ xuống đường là bị nhận ra “việt kiều”, tác giả  Quyên Ngô vẫn cảm thấy thực sự hoà mình với những người xunh quanh, một cảm giác mà cô không hề có ở bất kỳ nơi nào khác, kể cả tại Hoa Kỳ nơi cô sinh ra và lớn lên.
 
Với Vi Phạm, hành trình “tìm về nhà” không phải là một chuyến đi thực sự, mà là qua một cuộc nói chuyện với mẹ. Vì lớp lịch sử buộc tác giả phải tìm hiểu về ngày Sài Gòn thất thủ, anh “phải” về nhà hỏi phụ huynh. Đó là lần đầu tiên mẹ và tác giả thực sự nói chuyện, lần đầu tiên anh biết được một phần về nguồn gốc của người Việt tị nạn. Để rồi tác giả có thể “tràn đầy một niềm tự hào là người Mỹ gốc Việt.”
 
Bên cạnh các tác giả gốc Việt là hơn 30 tác giả khác, đa số là người gốc Á. Dù có nguồn gốc từ quốc gia nào đi nữa, các tác giả này cùng chia sẻ những cảm xúc tiêu biểu của thế hệ thứ hai giữa cộng đồng di dân ở Hoa Kỳ.
 
58 câu chuyện được kể qua các câu chữ trong sách Pho For Life có thể khiến người đọc mỉm cười hoặc ngấn lệ, hay trầm tư suốt nhiều ngày liên tưởng về câu chuyện đời của chính mình. Điều khó tránh được khi đọc Pho For Life là bụng bạn sẽ cồn cào đói vì các tác giả miêu tả rõ mồn một hình ảnh ngọn giá giòn tươi, hay bát súp nóng hổi, ngào ngạt...
Theo: Thiên An (Người Việt Online)

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.