U.S. Investment
CÔNG TY ĐẦU TƯ MỸ - USI
Công ty TNHH Đầu Tư Mỹ
Hotline: 0909 39 69 99

Tin tức

Tin tức

Dự trù tài sản cho giới tiểu thương

Đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ rất thành công về mặt thương mại. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt lập ra được những đại công ty, phần đông là những tiểu thương gia lúc đầu khởi sự lập nghiệp với số vốn khiêm nhượng, nhưng sau nhiều năm cần cù buôn bán nên cũng tạo ra được nghiệp vụ có tầm vóc đáng kể.

 
Đối với giới tiểu thương (small business) tại Hoa Kỳ việc dự tính tài sản trong tương lai khi qua đời hoàn toàn khác hẳn với di chúc hay các phương cách dự trù thông thường của các cá nhân (độc thân hay vợ chồng) và cũng hoàn toàn khác biệt với các đại công ty. Dĩ nhiên các tiểu thương gia không những phải tính trước những gì sẽ xảy ra sau khi chết mà còn phải lập trước kế hoạch an bài cho nghiệp vụ của mình phòng khi sức khỏe xuống dốc hoặc bị tàn phế bất ngờ.
 
Bất luận muốn bán cơ nghiệp đi hay tiếp tục duy trì hoạt động, thủ tục dự trù tài sản cho giới này không lập ra chỉ vì phúc lợi cá nhân của người chủ mà còn cho phúc lợi những kẻ còn sống kể cả thân nhân trong gia đình lẫn các nhân viên cộng sự. Trước hết chủ nhân một nghiệp vụ nên nhờ một luật sư chuyên môn thiết lập và soạn thảo di chúc cùng tín mục. Các văn kiện này ấn định trước trường hợp qua đời việc chuyển tiếp quyền hành sao cho cho các cộng sự viên cùng thuộc cấp được dễ dàng thi hành, đồng thời phân chia của cải thỏa đáng cho gia đình, nhờ vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ tranh giành nhau gia tài. Luật pháp Hoa Kỳ dành cho các tiểu thương gia rất nhiều chọn lựa trong mọi dự tính tài sản, tuy nhiên cần phải biết cách sử dụng sao cho có hiệu quả tối đa thay vì không biết lo toan đến khi xảy chuyện sẽ đem lại hậu quả tàn tệ như thí dụ điển hình dưới đây.
 
Ông Sáu là chủ một công ty nhỏ chuyên cung cấp cho các siêu thị Việt Nam tại Hoa Kỳ một món thực phẩm truyền thống đặc biệt được giới tiêu thụ rất ưa chuộng. Doanh nghiệp của ông hoạt động gần ba mươi năm nay rất phát đạt lên như diều, nhưng ngược lại sức khỏe cá nhân ông thì lại xuống như tuột dốc, sau một cơn đau nặng phải nằm nhà thương bác sĩ khám phá ông bị ung thư đến thời kỳ cuối. Các thầy thuốc đều chịu bó tay chỉ còn cách khuyên ông về nhà chuẩn bị những ngày giờ cuối cùng để ra đi cho thanh thản. Biết vậy ông Sáu rất lo lắng không biết thu xếp cơ nghiệp ra sao vì thì giờ còn lại với ông quá ngắn ngủi chỉ vừa đủ cầm cự với cơn đau và lo hậu sự cho chính mình. Bà vợ vốn là một nội trợ không hề có chút kinh nghiệm nào về buôn bán và bà cũng hoàn toàn không thích thú gì trong việc tiếp nối sự nghiệp của chồng. Cậu Hai, người con trai duy nhất cũng chỉ say mê đeo đuổi nghệ thuật thời trang và cậu cũng không hề mảy may để tâm đến công ty thực phẩm của cha. Thế là cơ nghiệp của ông Sáu hoàn toàn bị suy sụp sau khi ông qua đời vì không có người điều khiển, trong thời gian chờ bán đi kế toán viên chỉ hời hợt thanh toán các phiếu nợ hàng tháng mà không thâu tiền hàng đã giao, hoạt động sản xuất hoàn toàn đình trệ, nhân công bỏ đi tứ tán. Cuối cùng sự nghiệp do ông dầy công tạo dựng trong bao năm trường chỉ còn cái bảng hiệu, lúc bán được thì chẳng là bao vì công ty không còn đáng giá gì cả.

Dự trù tài sản cho giới tiểu thương
Dự trù tài sản cho giới tiểu thương (Ảnh: minh họa)
 
Tương tự như trường hợp ông Sáu, trên thực tế có tới 70% số tiểu công ty sau khi chủ nhân sáng lập qua đời bị thất bại trong việc chuyển quyền quản trị từ đời cha sang đời con và hết 90% thất bại trong việc sang chuyển xuống đời cháu. Thống kê này đã cho thấy những khó khăn trong việc chuyển một nghiệp vụ từ thế hệ này sang thế hệ sau vì thiếu tính toán hoạch định thừa kế nối tiếp sự nghiệp của người đời trước.
 
Các tiểu thương gia thường có rất nhiều vấn đề đặc biệt cần thu xếp trước khi lâm chung. Trước hết phải tìm được người tín cẩn có khả năng nắm quyền nối tiếp điều hành cơ nghiệp sau khi mình qua đời. Liệu có thể giao cho người hôn phối (vợ hoặc chồng) giữ mọi cổ phần hay nên để cho con cái? Cần định đoạt trước ai sẽ làm chủ công ty và ai sẽ được hưởng lợi lộc; cần tiên đoán khi cơ nghiệp chuyển sang đời sau thì giá trị tăng hay giảm? Vấn đề chính trong việc dự trù tài sản cho tiểu thương được nêu ra như sau: Thứ nhất, sau khi chủ nhân qua đời rồi có muốn thương nghiệp tiếp tục tồn tại và hoạt động như trước không và nếu muốn thì ai sẽ là người cai quản? Thứ hai, các thừa kế có đủ khả năng và có ý muốn tiếp nối sự nghiệp hay không? Thứ ba, sau khi chết có muốn đem bán đi, nếu muốn bán thì làm cách nào để sang chuyển quyền sở hữu cho chủ mới? Thông thường nên tham khảo với luật sư chuyên môn để giúp giải quyết các vấn đề nêu trên và đồng thời lập kế hoạch đáp ứng thích hợp. Trước đó nên hội họp thân nhân trong gia đình cùng các thừa kế khác cũng như các bạn hùn hạp để tìm giải pháp; nhất là nghĩ cách giải quyết sao cho công ty vẫn giữ được hoạt động bình thường mặc dù chủ nhân qua đời mà không sợ hậu quả xáo trộn do biến cố này.
 
Ngay sau khi chủ nhân tạ thế thì các khách hàng, người cung cấp hàng hóa, hay đối thủ cạnh tranh, v.v... thường để ý đến tình trạng thay đổi của công ty khi mất đi người cầm đầu. Tệ nhất thì cái chết của chủ nhân có thể gây ra nhiều khủng hoảng. Đối với phần đông công ty thương mại nhỏ thì các hồ sơ vay nợ, hợp đồng đại lý cùng rất nhiều văn kiện pháp lý khác thường có điều khoản ấn định khi vị chủ tịch hoặc chủ nhân từ trần thì đương nhiên mọi cộng tác tự động chấm dứt và người cầm đầu mới phải tái điều đình. Còn có gì tệ hơn cho công ty khi chủ nhân chết vào đúng lúc đang thương lượng vay tiền hoặc hụt mất cơ hội thương thảo làm đại lý cho một đại công ty. Hơn nữa mọi liên hệ với các khách hàng chính yếu đều tùy thuộc vào giao dịch của chính chủ nhân. Nay vị ấy chết đi hiển nhiên mọi mối giao hảo thuận lợi đó đều tan theo mây khói. Trên thương trường khi một nghiệp vụ mất đi khách hàng then chốt hoặc mất quyền đại lý bởi vì lý do tương lai không rõ ràng sau cái chết của chủ nhân nghiệp vụ thì công ty cũng không còn giữ được giá trị nữa nên rất khó bán được mà không khỏi bị dìm giá. Trong thực tế rất nhiều hợp đồng đại lý đặt điều khoản đòi hỏi phải chỉ định người lãnh đạo dự phòng được chấp thuận trước, thực ra đây là một cách bắt buộc chủ nhân phải tính trước việc đặt kế thừa cho hoạt động công ty không bị gián đoạn. Vì thế cần phải lập kế hoạch dự trù để khách hàng cảm thấy yên tâm khi giao dịch ít nhất họ còn có thể tiếp xúc với một thẩm quyền khác trong công ty ngoài chủ nhân ra - đặc biệt khi vị này tuổi tác mỗi ngày một cao và sức khỏe sút kém đi chắc chắn dễ gặp rủi ro đưa đến bệnh tật hay tử vong.
 
Ngoài ra đừng bao giờ tự hạn chế dự trù tài sản khi chết mà còn phải tiên liệu trước đến hoàn cảnh không may bị tàn phế khiến mất đi khả năng quyết định sự việc. Tàn phế nhiều khi còn tệ hại hơn cái chết bởi vì tự mình không lường trước được mức độ suy yếu hay hư hỏng của cơ thể. Nghiệp vụ vì vậy có thể bị thiệt hại nặng trong thời gian người chủ bị lâm bệnh mà không có người thay thế trước khi chủ nhân phục hồi lại được sức khỏe để điều khiển trở lại hoặc trước khi chuyển được quyền quản trị cho giám hộ theo pháp lý vì luật pháp không cho ai có quyền quyết định thay mà không có giấy tờ ủy quyền hợp pháp. Do đó cần phải dự trù trước biện pháp phòng bị nếu không may nghịch cảnh xảy ra gây hoạn nạn cho chủ nhân tiểu thương.
 
Bất cứ người nào định mua lại một nghiệp vụ cũng muốn thấy công ty này buôn bán thuận lợi. Do đó việc tối cần là phải định trước sao cho người kế thừa có được thẩm quyền tức thời trước những quyết định về nghiệp vụ ngay khi chủ nhân vừa qua đời hoặc bị tàn phế. Vấn đề nắm quyền lãnh đạo nghiệp vụ phải được viết rõ ràng trong di chúc hay “tín mục sống” hoặc trong các văn kiện pháp lý khác. Cần phải chỉ định một cá nhân có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm trong việc quyết định mọi vấn đề cho nghiệp vụ.
 
Trong kế hoạch phải dự tính di sản để lại cho các con và các thế hệ tiếp nối sau khi chủ nhân qua đời hay bị tàn phế, đồng thời cũng cần đặt ra những biện pháp an bài tiền bạc cho người hôn phối đủ mưu sinh. Cần phải xếp đặt phân chia di sản một cách công bằng cho tất cả thân nhân khác trong gia đình. Bao giờ cũng nên cho tất cả mọi người trong gia đình được tham gia ý kiến trong các quyết định quan trọng. Nếu người hôn phối hay con cái muốn kế thừa sự nghiệp mà thấy có đủ khả năng và kinh nghiệm thì giản dị nhất chỉ cần chuyển lại quyền hành trực tiếp cho người ấy. Một vấn đề quan trọng khác là phải tránh không để qua thủ tục “giải quyết di sản” (probate) của tòa án do di chúc; bởi vì dù thời gian gián đoạn để làm thủ tục sang chuyển quyền hành có ngắn ngủi đến mấy cũng có thể làm đình trệ hoạt động của công ty cần được liên tục. Do đó phải dàn xếp trước việc sang chuyển quyền điều khiển qua hình thức tín mục hay các giao ước hợp lệ khác có nghĩa là ra ngoài phạm vi di chúc thì sẽ không phải qua thủ tục “giải quyết di sản” của tòa án.

LS Ly Ly Nguyễn - Người Việt Online

Bạn cần biết thêm chi tiết? Vui lòng ĐẶT CÂU HỎI, hoặc liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua hotline +84 (0) 909 39 69 99 để được tư vấn.